Nhờ hiệu quả kinh tế và lợi ích đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trong lĩnh vực làm đẹp, trái bơ đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Tại Việt Nam, cây bơ được trồng chủ yếu tại 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, các tỉnh Tây Nguyên được cho là phù hợp để phát triển cây bơ.
Hiện nhu cầu tiêu thụ bơ Việt Nam từ các quốc gia trên thế giới rất lớn, song nguồn cung bơ nước ta lại chưa đủ để cung ứng. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây bơ còn khá lớn, người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục mở rộng vùng trồng. Đặc biệt, cây bơ được trồng xen trong các vườn cà phê, hạt tiêu bước đầu cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Trái bơ của tỉnh Đắk Nông được người tiêu dùng ưa chuộng
Ngoài tiêu thụ nội địa, trái bơ của Việt Nam đã xuất khẩu ra thế giới. Theo giới chuyên gia, trái bơ được trồng tại Việt Nam đáp ứng được cả chất lượng và sản lượng so với các nước xuất khẩu bơ lớn của thế giới.
Theo số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trái bơ và sản phẩm chế biến từ trái bơ ra thế giới đạt 651,59 nghìn USD, tăng 59,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù ghi nhận mức tăng trưởng cao, song trị giá xuất khẩu bơ và sản phẩm chế biến từ bơ của nước ta ở mức thấp so với nhu cầu thế giới và tiềm năng phát triển của ngành.
Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 của OECD-FAO, trên thị trường toàn cầu, quả bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất vào năm 2030, đạt 30,9 triệu tấn, vượt qua dứa và xoài, với tỷ trọng nhập khẩu bơ của Mỹ dự kiến chiếm 40% và EU chiếm 31% tổng trị giá nhập khẩu quả bơ trên toàn cầu vào năm 2030. Bên cạnh đó, nhập khẩu quả bơ cũng đang tăng nhanh ở nhiều thị trường khác như ở Trung Quốc và một số nước ở Trung Đông. Tại Trung Quốc, bơ đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây và được sử dụng trên bàn ăn của nhiều người tiêu dùng. Ngày càng nhiều người đã quen với trái cây này và bắt đầu thêm trái cây vào chế độ ăn uống của họ.
Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi, trong khi nhu cầu nhập khẩu trái cây nói chung, bơ nói riêng của thị trường Trung Quốc lớn, tuy nhiên trái bơ tươi của Việt Nam hiện vẫn chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Để nâng cao giá trị cho ngành, Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh các sản phẩm chế biến từ bơ sang thị trường tiềm năng lớn này như bơ xay nhuyễn đông lạnh. Về dài hạn, để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, ngành bơ Việt Nam cần có kế hoạch bài bản về nguồn cung có chất lượng, đã dạng hóa sản phẩm từ bơ, bám sát yêu cầu từ phía thị trường.
Đình Thuận
Thông tin chi tiết xem file đính kèm “tại đây”