Chủ Nhật, 27/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng hướng tới phát triển bền vững sản phẩm tơ lụa

Sản phẩm “Tơ và lụa” của Thành phố Bảo Lộc đã xuất khẩu tới nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, một số nước Châu Âu, các nước vùng Trung Đông… Trong thời gian tới, Thành phố Bảo Lộc hướng đến mở rộng liên kết sản xuất trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ, dệt lụa, chủ động về giống tằm, tạo ổn định trong sản xuất nguyên liệu kén tằm chất lượng cao cung ứng cho các ngành công nghiệp chế biến. Qua đó, giúp đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc, gắn với tem nhãn truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thị trường và đảm bảo tính bền vững của thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc.

Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng từ lâu đã nổi tiếng là thủ phủ tơ lụa của Việt Nam nhờ vị trí điều kiện tự nhiên khí hậu, đất đai thuận lợi. Ngành tơ lụa Bảo Lộc ra đời muộn hơn so với các làng nghề truyền thống về tơ lụa của Việt Nam như Vạn Phúc (Hà Đông), Nha Xá (Hà Nam)…, nhưng lại phát triển mạnh cho đến hiện nay và chiếm khoảng 70% giá trị sản lượng tơ tằm của cả nước. Ngày nay, người tiêu dùng đã biết đến thương hiệu nhiều hơn và ngày càng ưa chuộng tơ lụa Bảo Lộc.

Theo thống kê, sản lượng tơ, lụa của Thành phố Bảo Lộc ổn định ở mức khoảng 1.000 tấn tơ tằm trung bình năm, khoảng 3,5 triệu m2 lụa, kim ngạch xuất khẩu tơ lụa hàng năm khoảng 16 - 18 triệu USD. Có thể nói Thành phố Bảo Lộc là vùng chuyên sản xuất tơ và lụa tơ tằm, không sản xuất sợi pha hoặc lụa có pha sợi tổng hợp. Trong đó, các xưởng dệt ở Bảo Lộc đã xuất khẩu lụa Satinh dùng may Kimono với những trang phục truyền thống Nhật Bản; lụa Yozu dùng may khăn đội đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ; sản phẩm vải lụa Habuta, CDC dùng để may những âu phục cao cấp…

Những sản phẩm “Tơ và lụa” của Thành phố Bảo Lộc đã xuất khẩu tới nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, một số nước Châu Âu, các nước vùng Trung Đông… Hiện nay với xu hướng sử dụng sản phẩm bền vững, thân thiện với thiên nhiên, thì tơ lụa Bảo Lộc luôn đứng đầu.

Các nghệ nhân và người mẫu biểu diễn áo dài từ lụa Bảo Lộc tại đất nước Italia

Để đảm bảo phát triển ngành tơ lụa, Ủy ban nhân dân Thành phố Bảo Lộc đã tổ chức xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Kết quả cho đến nay, Ủy ban nhân dân Thành phố Bảo Lộc đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” cho 14 công ty và cấp 20.000 tem nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” cho các đơn vị. Bên cạnh đó, để bảo vệ thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc, Ủy ban nhân dân Thành phố Bảo Lộc phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” tại thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Italia trong thời gian tới.

Theo thống kê, Thành phố Bảo Lộc đã và đang phát triển khoảng 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực ươm tơ, dệt lụa với sản lượng tơ khoảng 1.050 tấn tơ/năm; khoảng 5 triệu mét vải lụa các loại. Trong đó, đa số các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đều có chất lượng tốt, được ghi dấu từ trước đến nay ở trong nước và trên thị trường quốc tế (chiếm trên 80% sản lượng toàn quốc). Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, giá trị xuất khẩu của ngành dâu tằm, tơ lụa đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hướng phát triển Tơ lụa Bảo Lộc trong thời gian tới

Thành phố Bảo Lộc sẽ tập trung khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có để phát triển công nghiệp gắn với quảng bá thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc cùng nhiều sản phẩm thế mạnh để chủ động hội nhập. Thành phố Bảo Lộc sẽ ưu tiên, tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư phát triển các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh và các ngành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tiếp tục tập trung đầu tư và thu hút đầu tư để ngành thương mại - dịch vụ phát triển nhanh về số lượng, mạng lưới cơ sở đảm bảo chất lượng tương xứng với chức năng, vị trí của địa phương.

Thành phố Bảo Lộc cũng đã và sẽ tiếp tục làm việc với các công ty lữ hành trên địa bàn thành phố để thiết lập các tuyến du lịch tham quan, du lịch làng nghề kết hợp quảng bá về ngành nghề tơ lụa gắn kết việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với hoạt động phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Tạo các tuyến cho du khách tham quan nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa …

Trong thời gian tới, để phát triển ngành dâu tằm và đưa thương hiệu lụa tơ tằm Bảo Lộc xuất khẩu tới nhiều thị trường hơn nữa, Thành phố Bảo Lộc đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể:

Một là, vấn đề nguồn giống, ngành Nông nghiệp Bảo Lộc đang ưu tiên và tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giống dâu mới, tiến bộ cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với các tiểu vùng khí hậu nhằm khai thác lợi thế vùng cũng như giống kháng sâu bệnh hại.

Hai là, Thành phố Bảo Lộc thúc đẩy các hoạt động nhằm tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để được nhập khẩu trứng giống tằm chính ngạch, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, triển khai chương trình thu hút đầu tư dự án phát triển trứng giống tằm theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh và đề nghị Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng nghiên cứu, lai tạo các giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân.

Ba là, Thành phố Bảo Lộc tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất chuyên môn hóa các cơ sở nuôi tằm con tập trung để cung cấp nguồn con giống tốt, nâng cao năng suất và chất lượng kén.

Đặc biệt Thành phố Bảo Lộc cũng hướng đến mở rộng liên kết sản xuất trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ, dệt lụa. Đồng thời, Thành phố hợp tác nhằm chủ động về trứng giống tằm, tạo ổn định trong sản xuất nguyên liệu kén tằm chất lượng cao cung ứng cho các ngành công nghiệp chế biến. Qua đó, giúp đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc để gắn với tem nhãn truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thị trường và đảm bảo tính bền vững của thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc.

Theo định hướng quy hoạch chung, Thành phố Bảo Lộc cũng sẽ hình thành Khu công nghiệp Lộc Châu - Đại Lào để thu hút, di dời các doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa trong các khu dân cư, đô thị, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, qua đó bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng để quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương hàng hóa cho các sản phẩm địa phương.

Minh Thu

Liên kết website