Thứ Ba, 06/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Tiền Giang: Mô hình du lịch nông trại dê sữa Đông Nghi mang lại hiệu quả cao

Mô hình nông trại dê sữa Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang đã mang lại hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm ở địa bàn các xã ven biển, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập. Trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân làm chuồng trại, tuyển chọn giống dê tốt, chất lượng, nhân rộng mô hình nuôi dê tiên tiến, chú trọng nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã phát huy lợi thế sông nước miệt vườn, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, hiệu quả tích cực đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Điển hình là mô hình nông trại dê sữa Đông Nghi của Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó với điểm độc đáo của du lịch nông trại dê sữa Đông Nghi so với các loại hình khác đó là du khách sẽ được hòa với thiên nhiên như đồng ruộng, vườn cây và tìm hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp sạch của địa phương. Hiệu quả của mô hình nông trại này là phục vụ được cả người lớn và trẻ nhỏ. Đối với người lớn, hình thức du lịch này giúp họ được thư giãn, giải trí và rèn luyện thể lực sau những giờ làm việc vất vả, căng thẳng. Với các em nhỏ thì du lịch nông trại là cách tuyệt vời để mang đến cho các em bài học trực quan sinh động và hiệu quả về vật nuôi, cây trồng và người nông dân tại đây.

Nông trại dê sữa Đông Nghi không chỉ mang đến những trải nghiệm mới cho du khách mà còn tạo thêm đầu ra cho nông sản của địa phương

Đến với nông trại dê sữa Đông Nghi, điều cảm nhận đầu tiên của mỗi du khách đó là một không gian thoáng mát, sạch sẽ, với những chú dê Saanen với bộ lông trắng tinh mập mạp, khỏe mạnh và thân thiện được chia theo từng khu vực và từng độ tuổi. Điểm đặc biệt của nông trại dê sữa Đông Nghi là bên trong mỗi khu chuồng dê còn được trang bị một máy nghe nhạc, với những bản nhạc không lời du dương vừa giúp những chú dê giảm căng thẳng, vừa hạn chế phá chuồng, lớn nhanh hơn và tiết sữa được nhiều hơn.

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đông Nghi tiền thân là cơ sở chăn nuôi dê lấy thịt, qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu giá trị dinh dưỡng của sữa dê và nhu cầu của thị trường, HTX đã chuyển đổi mô hình nuôi dê lấy thịt sang nuôi dê lấy sữa kết hợp làm du lịch trải nghiệm. Đặc biệt, sản phẩm bánh flan sữa dê sấy thăng hoa được thị trường rất ưa chuộng, với đặc trưng của sản phẩm sấy thăng hoa là giữ nguyên được chất dinh dưỡng so với sản phẩm tươi và bảo quản lâu hơn. Sản phẩm sữa dê Đông Nghi được tiêu thụ chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có 3 nhà phân phối chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và kế hoạch sẽ phân phối sản phẩm ra các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Một số sản phẩm từ sữa dê Đông Nghi, tỉnh Tiền Giang

Ngoài ra, sản phẩm sữa dê Đông Nghi đã có hợp đồng cung cấp thường xuyên sản phẩm yaourt và bánh flan sữa dê tươi cho một số trường mầm non, tiểu học trong tỉnh và ngoài tỉnh Tiền Giang. Trong thời gian tới, HTX nông nghiệp Đông Nghi sẽ mở rộng sản xuất, phát triển thêm sản phẩm mới (phô mai dê), tiếp tục mở rộng thị trường nhằm ổn định đầu ra, phát triển quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm.

Sau khi thành công bước đầu từ nuôi và sản xuất các sản phẩm từ sữa dê, HTX nông nghiệp Đông Nghi đã triển khai phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Thời gian đầu, HTX chỉ phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm việc chăm sóc dê và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê, tiếp đó sẽ từng bước đa dạng các sản phẩm du lịch để thu hút du khách tham quan. Vì vậy, HTX nông nghiệp Đông Nghi sẽ không ngừng đổi mới kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đưa sản phẩm giới thiệu với khách hàng quốc tế.

Mô hình nông trại dê sữa Đông Nghi đã mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, vừa tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp và mở thêm sản phẩm du lịch mới cho địa phương. Với hiệu quả từ mô hình này đã giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giải quyết việc làm ở địa bàn các xã ven biển, ổn định cuộc sống tốt hơn.

 Để đẩy mạnh mô hình chăn nuôi dê, huyện Gò Công Đông sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân làm chuồng trại, tuyển chọn giống dê tốt, chất lượng, nhân rộng mô hình nuôi dê tiên tiến, trong đó chú trọng đến nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu, đạt hiệu quả kinh tế cao, cùng với đó công tác bảo vệ môi trường được đảm bảo; Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển biến tư duy về sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, hỗ trợ các hộ dân liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Minh Thu

Liên kết website