Chanh leo là một trong những loại cây trồng đã và đang mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân Việt Nam. Trước năm 2015 chanh leo chủ yếu tập trung phát triển tại các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông. Hiện chanh leo được trồng khắp 46 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh leo thương mại chính, chiếm hơn 90% diện tích trồng chanh leo cả nước.
Chanh leo Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích trồng chanh leo cả nước ước hơn 12.000 ha, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, và miền núi phía Bắc cũng đang có xu hướng mở rộng diện tích loại cây trồng này. Sản lượng chanh leo mỗi năm đạt khoảng 200.000 tấn.
Những năm gần đây, Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chanh leo, trong đó tập trung vào giống chanh leo vàng và chanh leo tím.
Trên thị trường thế giới, nhu cầu xuất khẩu chanh leo quả tươi của Việt Nam lên đến hàng trăm nghìn tấn/năm, trong khi nước ép chanh cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm. Mặc dù nhu cầu lớn, nhưng sản lượng sản xuất ra vẫn thiếu, Tây Nguyên được xem là thủ phủ chanh leo của cả nước nhưng hiện cũng chỉ đủ cung cấp một phần nhu cầu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đạt 222 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đạt 123,9 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, sản lượng chanh leo trên thế giới giảm mạnh do ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, các nước Nam Mỹ đang đối mặt với tình hình diễn biến thời tiết ngày càng xấu, khô hạn kéo dài khiến cho việc sản xuất chanh leo nơi đây gặp nhiều khó khăn, sản lượng chanh leo của vùng Nam Mỹ đang dần mất ưu thế. Trong khi đó, sản lượng chanh leo của Việt Nam cũng phần nào bị sụt giảm do tác động xấu bởi diễn biến giá cả của năm 2023. Cùng với đó, sự cạnh tranh của các loại nông sản khác khiến nhiều bà con nông dân chưa tự tin để tái canh chanh leo, dẫn đến vùng trồng bị thu hẹp, sản lượng giảm nhiều. Điều này khiến xuất khẩu chanh leo của Việt Nam giảm trong 8 tháng đầu năm 2024.
Trong cơ cấu xuất khẩu chanh leo của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến chiếm 75,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn lại xuất khẩu quả tươi. Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến từ chanh leo đã giảm so với mức 83,4% của 8 tháng đầu năm 2023, trái lại, tỷ trọng xuất khẩu quả tươi đã tăng lên mức 24,2%, từ mức 16,6% của 8 tháng đầu năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu chanh leo chủ yếu sang các thị trường EU, Trung Quốc và Mỹ, chiếm 76,7% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2024. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu sang 2 thị trường EU và Mỹ đều giảm so với cùng kỳ năm 2023, trái lại, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng lên mức 21,2%, từ mức 19,4% của 8 tháng đầu năm 2023.
Xuất khẩu chanh leo của Việt Nam sang các thị trường chủ lực trong 8 tháng đầu năm 2024 đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU giảm 33,4%, Trung Quốc giảm 17,1%, Mỹ giảm 31,9%. Ngược lại, xuất khẩu chanh leo của Việt Nam sang các thị trường khác tăng như: sang thị trường Braxin tăng 176,6%; Nga tăng 24,9%; Nam Phi tăng 703,4%...
Triển vọng xuất khẩu chanh leo của Việt Nam vẫn rất lớn
Trên thị trường thế giới, theo nghiên cứu từ nguồn Mordor Intelligence, quy mô thị trường chanh leo toàn cầu đang phát triển nhanh chóng do nhu cầu ngày càng tăng từ các ngành thực phẩm, đồ uống, và mỹ phẩm. Năm 2023, quy mô thị trường chanh leo toàn cầu ước tính đạt khoảng 1,03 tỷ USD, thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 8,4% trong giai đoạn từ 2023 đến 2028. Dự kiến đến năm 2028, quy mô thị trường chanh leo toàn cầu sẽ đạt 1,454 tỷ USD.
Quy mô thị trường chanh leo toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Do đó, bên cạnh các quốc gia sản xuất lớn, chanh leo Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ nhu cầu tăng lên của thị trường chanh leo toàn cầu.
Tiềm năng tăng trưởng trong xuất khẩu chanh leo của Việt Nam còn rất lớn khi Việt Nam hiện là thị trường cung ứng hàng đầu cho nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… Đặc biệt, mới đây, trái chanh leo được phép xuất khẩu chính ngạch sang Australia, tiến tới là Mỹ, sẽ là cơ hội để trái chanh leo Việt Nam vươn xa hơn nữa.
Nhìn chung, thị trường chanh leo toàn cầu đang có tiềm năng lớn, đặc biệt khi xu hướng tiêu dùng xanh và sản phẩm dinh dưỡng tiếp tục phát triển. Để tận dụng các cơ hội rộng mở từ thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, bên cạnh việc mở rộng sản xuất, đầu tư chế biến sâu, việc nắm bắt và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu là rất cần thiết.
Hồng Nhuận
Thông tin chi tiết xem file đính kèm “tại đây”