Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới. Diện tích cây dừa Việt Nam và sản lượng đều đứng thứ năm thế giới, năng suất đứng thứ ba thế giới và giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư thế giới. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tỉnh Bến Tre là vùng trồng dừa nổi tiếng nhất.
Hình ảnh quả dừa Bến Tre
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích dừa cả nước năm 2023 đạt khoảng 194.286 ha, tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 88,0% diện tích dừa cả nước, với diện tích khoảng 171.0 nghìn ha. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn là: Bến Tre 78,0 nghìn ha, Trà Vinh 26,0 nghìn ha, Tiền Giang trên 21,6 nghìn ha, Vĩnh Long trên 10 nghìn ha... Năng suất dừa Việt Nam bình quân đạt 111,8 tạ/ha, với sản lượng đạt 1,93 triệu tấn.
Hiện nay, Bến Tre được xem là thủ phủ dừa của cả nước. Tính đến năm 2024, diện tích dừa của tỉnh Bến Tre đạt gần 80 nghìn ha, chiếm khoảng 42% diện tích dừa cả nước và khoảng 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng khoảng 708 triệu trái. Cùng với thế mạnh cây dừa của tỉnh đã có xây dựng chỉ dẫn địa lý dừa xiêm xanh, có sự hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu dừa tập trung, dừa được sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, sản phẩm được thị trường đánh giá cao về chất lượng, dừa Bến Tre ngày càng khẳng định vị thế ngành hàng chủ lực của tỉnh. Tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu trong giai đoạn 2024-2025 sẽ phát triển ổn định 79.000 ha dừa. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.
Các giống dừa uống nước như xiêm xanh, xiêm đỏ có năng suất bình quân đạt từ 100-120 trái/cây/năm, chất lượng nước ngọt được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Dừa của Bến Tre được trồng chủ yếu tại 5 huyện gồm Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại. Trong đó, 3 huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại đều nằm trong danh mục địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của Chính phủ.
Xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 8 năm trở lại đây, nhưng phát triển rất nhanh với kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, trái dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới. Năm 2023, xuất khẩu dừa tươi đạt kim ngạch trên 242 triệu USD, chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa của cả nước.
Trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt hơn 312,9 triệu USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2023, vượt kim ngạch xuất khẩu dừa của cả năm 2023. Trong 10 tháng năm 2024, dừa của Việt Nam được xuất khẩu tới 124 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Australia và Ai Cập là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu dừa sang các thị trường này đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu dừa đạt kết quả cao trong 10 tháng qua không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của ngành dừa, mà còn là tín hiệu tích cực cho các mặt hàng nông sản khác. Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc đối với trái dừa tươi, dự báo kim ngạch xuất khẩu dừa năm nay của Việt Nam sẽ đạt khoảng 380 triệu USD.
Hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ dừa trên thế giới ngày càng tăng, các sản phẩm chế biến từ dừa như: kẹo dừa, dầu dừa, chỉ dừa, than hoạt tính được xuất khẩu với khối lượng và kim ngạch ngày càng tăng. Theo Hiệp hội dừa Châu Á- Thái bình Dương, xu thế sử dụng sản phẩm chế biến từ dừa trong giai đoạn 2020-2025 tăng khoảng 10%. Không chỉ chế biến sản phẩm thực phẩm, nhiều quốc gia đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm từ dừa như: dược phẩm, mỹ phẩm, trang trí, du lịch... Do đó, có nhiều tiềm năng để ngành dừa Việt Nam nâng cao khối lượng và kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.
Hồng Thanh
Thông tin chi tiết xem file đính kèm “tại đây”