Thứ Bảy, 26/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Tỉnh Đồng Tháp nâng cao chuỗi giá trị xoài Cao Lãnh

Xoài Cao Lãnh là một trong các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp. Người dân đã và đang kết hợp kỹ năng truyền thống và biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị xoài Cao Lãnh.

Với 3 giống chính gồm xoài cát, xoài cát chu và xoài tượng da xanh, tỉnh Đồng Tháp đã chọn xoài là một trong năm ngành hàng chủ lực của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Người dân đã dùng phương pháp rải vụ và bao trái giúp tăng năng suất, giảm hao hụt sản lượng xoài. Bên cạnh đó, người dân cũng kết hợp cách ghép và xử lý để cây xoài ra trái sớm và nghịch vụ, đồng thời thu hoạch và bảo quản sản phẩm để xuất khẩu. Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào chất lượng và danh tiếng của xoài Cao Lãnh.

Xoài Cát Chu Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài cát chu và xoài cát đối với khu vực địa lý các vùng xoài trên địa bàn Thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh từ năm 2019.

Chỉ dẫn địa lý đã góp phần nâng cao giá trị xoài Cao Lãnh, thương hiệu xoài Cao Lãnh ngày càng được nhiều người biết đến. Tỉnh đang phấn đấu nâng cao diện tích trồng so với hiện nay, lên trên 14.500 ha. Với tổng diện tích trồng xoài chiếm 60% diện tích toàn tỉnh, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh và sản lượng xoài hàng năm đạt trên 150.000 tấn, huyện Cao Lãnh và Thành phố Cao Lãnh là hai khu vực chính trồng xoài Cao Lãnh.

Với tiềm năng sản xuất và cung ứng sản phẩm xoài đặc trưng, để gia tăng giá trị cho quả xoài, tỉnh Đồng Tháp đặt kế hoạch diện tích trồng xoài đến năm 2025 đạt 36% trong tổng số diện tích trồng cây ăn trái của địa phương. Đồng thời, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhà vườn, đặt mục tiêu lợi nhuận tăng ít nhất 15% một năm.

Nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp như quýt hồng Lai Vung, bưởi Phong Hòa, xoài Cao Lãnh được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và những điểm du lịch nổi tiếng. Hiện các doanh nghiệp đã xúc tiến việc liên kết, cung ứng hàng hóa cho các đối tác, trong đó sản phẩm xoài Cao Lãnh có mặt ở các kênh phân phối phổ biến từ chợ, cửa hàng bán lẻ đến hệ thống siêu thị như: Co.opmart, WinMart, Bách hóa xanh... Hiện nay xoài Cao Lãnh đã xuất khẩu sang thị trường các nước: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Gắn sản xuất với chế biến góp phần nâng cao giá trị nông sản, người dân Đồng Tháp cải tiến sản xuất nâng cao chuỗi giá trị qua khai thác thế mạnh từ trái xoài để chế biến thành các món ăn, thức uống như: xoài sấy dẻo, bánh xoài, bánh tráng xoài, rượu xoài, kẹo xoài, kem xoài..., tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để xoài Cao Lãnh trở thành cây trồng chủ lực, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hàng năm tỉnh tăng 10% diện tích đạt chứng nhận GAP, xây dựng và quản lý mã số vùng trồng nông sản, cụ thể là tỉnh Đồng Tháp cấp 295 mã số vùng trồng trên diện tích 8,3 nghìn ha trồng xoài, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Riêng diện tích trồng xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 7.000 ha với 252 mã vùng trồng đã được cấp mã. 

 Từ năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhiệm vụ “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu” thuộc “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030”. Theo đó mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đưa 100% diện tích vùng trồng cây ăn trái, trong đó, xoài là sản phẩm chủ lực được tập trung cấp mã số vùng trồng và thực hành sản xuất an toàn.

Nâng cao giá trị sản phẩm xoài qua hoạt động xúc tiến thương mại

Hàng năm tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ công tác sản xuất, xúc tiến thương mại và nâng cao giá trị cho sản phẩm xoài. Để tập trung phát triển ngành hàng xoài theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu, tỉnh sẽ hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị xoài một cách hiệu quả, bền vững theo Kế hoạch đã đặt ra về phát triển ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Qua đó sẽ thực hiện tổ chức liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để tăng cường quảng bá hình ảnh và sản phẩm, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm xoài Cao Lãnh vươn lên tầm cao mới, Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp đã phối hợp với Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm xoài mang Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” và Hội thi trái xoài ngon năm 2024. Hoạt động này nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản của tỉnh Đồng Tháp - xoài Cao Lãnh tới khách hàng trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trái xoài của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ sản phẩm, khẳng định uy tín và chất lượng của sản phẩm xoài Cao Lãnh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước và hướng tới mục tiêu bảo hộ thương hiệu xoài Cao Lãnh ở các thị trường nước ngoài.

Phạm Định

Liên kết website