Huyện Hoài Ân nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với nền nhiệt độ cao, lượng mưa khá. Điều kiện khí hậu này thuận lợi cho việc đa dạng hoá cây trồng, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, là lợi thế để các loại cây ăn quả sinh trưởng mạnh, đặc biệt là đối với cây bưởi da xanh.
Hiện, toàn huyện Hoài Ân có 250 ha trồng bưởi, trong đó có 70 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 69 tạ/ha. Các xã có diện tích trồng bưởi nhiều ở Hoài Ân là: Ân Đức, Ân Thạnh, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Nghĩa, Ân Phong…
Theo người dân nơi đây, ngoài phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Hoài Ân, muốn cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả cao thì phải chịu khó chăm sóc tưới nước, bón phân đầy đủ. Khi bưởi ra quả thì dùng bao bọc từng quả lại để tránh sâu rầy, côn trùng và ánh sáng, không cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật, do đó bưởi Hoài Ân ngon ngọt và rất sạch.
Tại các vườn bưởi ở Hoài Ân, quả bưởi đều được người dân bọc kín trong những chiếc túi chuyên dụng. Những chiếc túi này được dùng nhằm đảm bảo sự tối ưu cho quả bưởi, giúp tránh ruồi bọ đục quả và hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu.
Hiện, bưởi da xanh Hoài Ân bán tại vườn có giá từ 30.000-40.000 đồng/kg; thời điểm Tết âm lịch có giá cao từ 50.000-60.000 đồng/kg. Nhờ giá trị kinh tế từ cây bưởi mang lại, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân có thu nhập khá cao và ổn định. Huyện Hoài Ân đang khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi, xem đây là hướng thoát nghèo, làm giàu của người dân.
Đáng chú ý, ngày 16/7/2019, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho "Bưởi Hoài Ân”, nhãn hiệu được cấp cho Hội Nông dân huyện Hoài Ân. Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu giúp tạo cơ sở pháp lý về bảo hộ độc quyền sản phẩm cho đặc sản địa phương. Qua đó, tạo động lực cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Đồng thời, giữ gìn và phát huy được danh tiếng và uy tín chất lượng thương hiệu đặc sản này của huyện Hoài Ân.
Theo UBND huyện Hoài Ân, thời gian tới, để phát huy giá trị của nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân”, huyện sẽ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tem, nhãn gắn trên sản phẩm; nghiên cứu, xây dựng mô hình kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục quảng bá, kêu gọi và xúc tiến quảng bá thương hiệu này trên tất cả các địa bàn trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, khuyến khích việc liên kết sản xuất và kinh doanh bưởi da xanh, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Bưởi da xanh là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Hoài Ân
Định hướng phát triển bền vững cây ăn trái Bình Định nói chung và bưởi da xanh Hoài Ân nói riêng
Bình Định là địa phương có điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu phù hợp với phát triển cây ăn quả. Nhất là mùa mưa ở Bình Định trái với mùa mưa ở các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm ở miền Đông Nam bộ và miền Bắc. Do đó, thời điểm thu hoạch cây ăn quả ở Bình Định trái vụ tự nhiên với các vùng khác, giúp tránh được sự cạnh tranh trong khâu tiêu thụ.
Thuận lợi là vậy, tuy nhiên trên thực tế, cây ăn quả ở Bình Định vẫn còn một số hạn chế là diện tích phát triển còn nhỏ lẻ, khó thu hút doanh nghiệp tiếp cận để tiêu thụ; chưa hình thành chuỗi liên kết để thuyết phục khách hàng về sự ổn định của chất lượng và nguồn cung. Hiện nguồn giống cây ăn quả ở Bình Định chưa đảm bảo, không đồng đều, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng đầu ra. Ngoài ra, những hạn chế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cây giống đang là mối lo ngại lớn trong phát triển cây ăn quả ở Bình Định.
Do đó, để cây ăn quả tại Bình Định có thể phát triển bền vững trong bối cảnh diện tích trồng ngày càng tăng, sản lượng lớn, thì việc thực hiện sản xuất theo chuỗi cũng như việc hình thành vùng trồng bưởi tập trung theo hướng hữu cơ trở nên cấp thiết hơn.
Sẽ rất khó thuyết phục doanh nghiệp tham gia vào khâu tiêu thụ khi quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện tại. Bước đầu, các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung cần hình thành tổ hợp tác sản xuất, sau đó đến các hợp tác xã nông nghiệp có năng lực tham gia vào khâu tiêu thụ; Tiếp đến là đẩy mạnh quảng bá sản phẩm…
Bên cạnh đó, phải xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả hữu cơ hay vùng sản xuất an toàn, để cây ăn quả Bình Định vẫn có thể đứng vững trong trường hợp có nhiều loại quả cùng loại tràn lan trên thị trường.
Đối với bưởi da xanh Hoài Ân hiện nay liên tục “cháy hàng”, đó là động lực để nông dân phát triển mạnh diện tích trồng. Tuy nhiên, trong những năm tới, khi tất cả 250 ha bưởi da xanh của huyện Hoài Ân đồng loạt cho thu hoạch thì vấn đề tiêu thụ bưởi da xanh sẽ cần được tính toán. Đó là chưa kể đến diện tích bưởi được trồng ở các huyện khác trong tỉnh và ở các tỉnh lân cận như Phú Yên, Khánh Hòa cũng cho quả thì liệu cung có vượt cầu?
Để giải quyết những lo lắng của người dân, mới đây UBND huyện Hoài Ân đã thành lập Ban chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh và dừa xiêm theo tiêu chuẩn VietGap. Dự án được triển khai thực hiện trên diện tích 70ha, trong đó, bưởi da xanh 45 ha và dừa xiêm 25 ha, từ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, với số tiền trên 5,4 tỷ đồng. Việc sản xuất bưởi da xanh và dừa xiêm theo tiêu chuẩn VietGap sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất của các loại trái cây được xem là đặc trưng của huyện Hoài Ân.
Song song việc xây dựng sản phẩm bưởi sạch, huyện Hoài Ân tập trung mở rộng thị trường, bước đầu hướng ra các tỉnh trong khu vực miền Trung. Tiếp đó, sẽ hình thành chuỗi liên kết, mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap để bưởi Hoài Ân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nguồn: VITIC tổng hợp