Theo định hướng đến năm 2020, cả nước sẽ có gần 90 nghìn ha cam, nhưng đến hết năm 2017, diện tích đã đạt hơn 90 nghìn ha, với sản lượng 772 nghìn tấn. Mặc dù năng suất cam ở nước ta những năm gần đây tăng liên tục, bình quân đạt hơn 12 tấn/ha, nhưng chỉ bằng 70% so với thế giới và bằng 63% so với các nước khu vực Đông Nam Á. Để xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh sản xuất cây cam theo tiêu chuẩn VietGap mang lại giá trị cao và phát triển bền vững, nhiều tỉnh miền Bắc đã đồng loạt triển khai các biện pháp nhằm tăng năng suất cây cam, trong đó tập trung chính vào việc đưa các giống cam có năng suất cao, chất lượng tốt vào thay thế diện tích giống cam cũ già cỗi, năng suất thấp…
Sản lượng và diện tích trồng cam đều tăng từ 8 đến 16%/năm trong 5 năm (từ năm 2012 đến năm 2017)
Tại tỉnh Bắc Kạn, diện tích cây cam tính đến năm 2017 là 320ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 245ha, sản lượng đạt 1.700tấn, giá trị trên 30 tỷ đồng. Hiện các xã Quang Thuận, Dương Phong đang trồng 03 giống cam khác nhau là cam Xã Đoài, V2 và cam sành, trong đó diện tích cam sành chiếm tỷ lệ nhiều hơn khoảng 200ha. Về giống cây người dân chủ yếu cấy giống gieo ươm từ hạt và một số ít sử dụng giống ghép vì vậy cho năng suất, sản lượng thấp.
Tại tỉnh Tuyên Quang, theo thống kê năm 2012, trên địa bàn có 2.826 ha cam nhưng đến nay đã lên đến 8.821 ha, trong đó vùng cam tập trung là 7.557 ha, diện tích cho thu hoạch quả là 4.926 ha. Diện tích tăng dẫn đến sản lượng cam tăng đáng kể, từ hơn 21 nghìn tấn (năm 2012) đến nay đã đạt gần 60 nghìn tấn.
Tính riêng huyện Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang, năm 2014, diện tích cam trên địa bàn chỉ có hơn 4.000 ha nay tăng lên hơn 7.000 ha, vượt hơn 2.000 ha so với quy hoạch. Điều này khiến sản lượng tăng vọt, trong khi chất lượng cam chưa đồng đều, năng suất không ổn định, cung vượt quá cầu,…
Trong vụ sản xuất 2017-2018, giá bán cam sành Hàm Yên tại vườn chỉ dao động từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với vụ trước.
Huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang hiện có tổng diện tích 619,8 ha cam, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 105 ha; niên vụ cam 2017 – 2018 đạt sản lượng gần 900 tấn quả. Với nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ của chính quyền các cấp đã giúp cho sản phẩm cam sành của huyện có đầu ra ổn định với giá bán dao động từ 10 – 15 nghìn đồng/kg; góp phần cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhiều hộ trồng cam.
Tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 1.200 ha cam được sản xuất theo hướng VietGap (chiếm hơn 70% tổng diện tích). Do kỹ thuật thâm canh cao, sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cam Hưng Yên đang chiếm lĩnh thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, với mức thu lãi mỗi năm từ 400 đến 500 triệu đồng/ha.
Toàn bộ diện tích trồng cam và cây có múi ở Khoái Châu hiện đều được thâm canh theo quy trình VietGap, đạt chất lượng thơm ngon đặc trưng, cho thu lãi mỗi vụ gần 500 triệu đồng/ha. Đáng chú ý tại xã Dạ Trạch đã xuất hiện trang trại trồng cam giống mới là V36 và cam ruột đỏ, bước đầu cho thu quả; đây la giống cam có vị ngọt đậm, mùi thơm, tép giòn, vỏ mỏng, ít hạt. Hiện cam C36 có giá 60 nghìn đồng/kg, cao gấp hơn 2 lần các giống cam bình thường. Đặc biệt, cam ruột đỏ giá khoảng 100 nghìn đồng/kg.
Tại huyện Kim Động đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cam, bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã: Đồng Thanh, Thọ Vinh, Song Mai, Đức Hợp...
Toàn huyện Kim Động hiện có hơn 360 ha trồng các loại cây cam, bưởi. Theo đánh giá của một số địa phương trên địa bàn huyện, hiện nay diện tích chuyển đổi sang trồng cam, bưởi cho thu nhập bình quân khoảng 400 triệu đồng/ha mỗi năm, cao gấp 15 lần so với trồng lúa.
Toàn huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình đã duy trì diện tích cam 1.500ha trong năm 2017 (tăng 300ha so với hiện tại), sản lượng hàng năm đạt trên 20.000 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 500 tỷ đồng. Tại một số hộ gia đình trồng cam tại Hòa Bình, năng suất cam V2 trong năm 2017 đạt 50 tấn/ha, bán tại vườn 56.000 đồng/kg (2,8 tỷ/ha).
Các tỉnh đồng loạt triển khi các biện pháp nhằm tăng năng suất cây cam
Xác định cây cam là một trong những cây trồng chủ đạo trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhiều tỉnh miền Bắc đã có kế hoạch nâng cao năng suất cũng như chất lượng vườn cam, tập trung tăng tổng diện tích cam VietGap giai đoạn 2016-2020.
Tại huyện Vị Xuyên, quy hoạch vùng trồng cam tập trung tại các xã: Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần, thị trấn Việt Lâm; phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 250 ha, đưa tổng diện tích cam VietGAP toàn huyện đến năm 2020 lên 600 ha.
Bên cạnh việc tập trung hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây cam sau thu hoạch, huyện cũng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các chương trình vay vốn ưu đãi nhằm mở rộng diện tích góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả Hà Nội triển khai dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển cây cam sành Bắc Kạn” tại 2 xã Quang Thuận và Dương Phong, với thời gian thực hiện từ năm 2018-2020.
Mục tiêu của Dự án là ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển giống cam sành tại Bắc Kạn thành vùng sản xuất hàng hóa, có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo lộ trình, Dự án sẽ chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống và thâm canh cây cam, điều tra tuyển chọn 40 - 50 cây cam ưu tú để khai thác mắt ghép phục vụ nhân giống; xây dựng trồng mới 20ha cam sành tại Bạch Thông; xây dựng mô hình thâm canh 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 20tấn/ha; đào tạo 05 kỹ thuật viên tập huấn cho 200 lượt hộ dân chăm sóc cây cam theo hướng VietGAP.
Dự án được thực hiện từ vốn sự nghiệp khoa học Trung ương, địa phương và nguồn khác đầu tư với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị thực hiện đã tuyển chọn được 48 cây cam ưu tú để khai thác mắt ghép.
Tại Hưng Yên, các nhà vườn trồng cam đã áp dụng tiến bộ khoa học, thực hiện thâm canh theo hướng an toàn như VietGAP, GlobalGAP. Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân xây dựng quy trình sản xuất chặt chẽ, kiểm soát lượng phân bón, tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, hình thành thói quen sản xuất nông sản sạch. Theo đó đã tạo ra sản phẩm chất lượng ngon vượt trội, mẫu mã đẹp và an toàn vệ sinh thực phẩm, được thị trường ưa chuộng.
Phát triển mạnh diện tích trồng cam ảnh hưởng tới việc tiêu thụ, giá trị xuất khẩu không lớn
Cam là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế trên địa bàn Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, xã có hơn 2.000 hộ dân, trong đó có hơn 1.700 hộ trồng cam với diện tích 2.400 ha, trong đó khoảng 2.000 ha cho thu hoạch. Vụ cam năm nay, tổng sản lượng thu hoạch trên địa bàn xã đạt khoảng 35 nghìn tấn. Thế nhưng, do giá bán xuống thấp nên thu nhập của người trồng cam giảm đi nhiều.
Những vụ trước, giá cam tại Hàm Yên ổn định từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, mỗi năm thu về từ 700 triệu đến 800 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đến 400 triệu đồng. Nhưng vụ cam năm nay, giá cam giảm còn 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg khiến thu nhập chỉ còn hơn 400 triệu đồng. Số tiền này chỉ vừa đủ chi phí đầu tư, không có lãi.
Thời điểm thích hợp để thu hoạch cam khoảng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Tại một số hộ gia đình, do năm nay giá cam thấp, tiêu thụ chậm nên phải đến gần cuối tháng 3 mới bắt đầu bán. Mặc dù thu hoạch muộn sẽ hại cây, ảnh hưởng đến năng suất vụ sau nhưng phải chấp nhận để có thể bán với giá cao hơn, tránh lỗ vốn hoặc không có lãi như nhiều gia đình thu hoạch đúng thời điểm.
Nguyên nhân khiến giá cam vụ vừa qua xuống thấp là do diện tích cho thu hoạch tăng cao, dù cam không được mùa nhưng vẫn bị xuống giá. Việc phát triển mạnh diện tích trồng cam ở các tỉnh như: Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình... cũng ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ cam sành Hàm Yên.
Diện tích trồng cam và sản lượng đang tăng nhanh, nhưng thị trường tiêu thụ chính là trong nước. Cam được sử dụng chủ yếu là quả tươi, phục vụ nhu cầu dinh dưỡng, giải khát; giá trị xuất khẩu lại không đáng kể. Mặc dù, năng suất cam ở nước ta những năm gần đây tăng liên tục, bình quân đạt hơn 12 tấn/ha, nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 70% so với thế giới và bằng 63% so với các nước khu vực Đông - Nam Á.
Việc sản xuất hiện nay chủ yếu sử dụng các giống cam địa phương. Những loại này thường nhiều hạt, khó xuất khẩu; hay bị sâu, bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tốn nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc. Tình trạng cam được trồng với mật độ dày; lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang diễn ra tại nhiều nơi làm ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm sản phẩm cam; công nghiệp chế biến sản phẩm từ cam chưa nhiều.
Hướng đi phù hợp với phát triển cây cam
Nhằm hạn chế tình trạng phát triển “nóng” cây cam ở một số tỉnh, nhất là vùng không phù hợp, không trong quy hoạch, các địa phương cần duy trì quy mô diện tích hiện có ở vùng trồng thích hợp, phù hợp thị trường tiêu thụ, thông qua tuyên truyền cho người sản xuất và biện pháp quản lý trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh. Đối với diện tích trồng phân tán ở những vùng không phù hợp, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng nâng cao tỷ lệ sử dụng giống mới, có chất lượng, ít hạt hoặc không có hạt; xây dựng cơ cấu giống cam rải vụ thu hoạch, tạo thuận lợi cho tiêu thụ, chế biến; xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người sản xuất nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng.
Tuyên truyền, vận động nông dân tự nguyện tham gia hình thức hợp tác liên kết sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh liên kết địa phương, vùng, miền trong sản xuất rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với người sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.
Cây cam đang trở thành cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, là một trong những trọng tâm của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh khuyến cao nông dân không mở rộng diện tích tràn lan, mà tập trung phát triển ổn định. Trong đó coi trọng việc đưa các giống cam có năng suất cao, chất lượng tốt vào thay thế diện tích giống cam cũ già cỗi, năng suất thấp; tập trung trồng các giống phù hợp, có năng suất giá trị thương phẩm cao, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để nâng cao và đảm bảo chất lượng, các tỉnh miền Bắc tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Một số kỹ thuật chăm sóc cây cam đem lại hiệu quả cao:
- Chăm sóc Cây Cam lúc nhỏ
Khi trồng, cần chọn cây giống có bộ rễ nông tốt, nên che bớt ánh nắng và tưới ẩm đất rồi đào một hố đủ rộng, không quá sâu vì rễ chỉ ăn nông dưới lớp đất mặt. Đặt cây giống xuống hố rồi lấp đất lại, ấn nhẹ đất xung quanh gốc cây, không nén đất quá nhiều hoặc chất đống đất hay phủ bồi đất cao lên gốc để tránh bệnh lở cổ rễ, một bệnh khá phổ biến ở cây có múi.
Tưới nước: Sau trồng tưới ướt đẩm đất, Sau trồng hai ngày tưới 1 lần, khi cây xanh tốt trở lại 5 – 7 ngày tưới 1 lần. Thời kỳ khô hạn, ít mưa nên tưới 3 – 5 ngày 1 lần. Tưới dặm nếu nắng gắt, thoát nước kịp thời khi bị úng.
- Chăm sóc cây cam lúc lớn
Khi cây lớn chú ý chăm sóc tỉa cành, nhánh mọc lẻ tẻ, rời rạc. Cắt các cành nhánh ngay bên dưới nơi chúng mang trái hoặc hoa. Điều này sẽ kích thích cây tập trung năng lượng cho tăng trưởng thực vật. Nó cũng làm cho cây trở nên mạnh và không phát triển tán rườm rà.
Nên sử dụng phân bón hữu cơ để nuôi dưỡng cây như phân gà, phân bò… hạn chế sử dụng phân hóa học. Nên sử dụng phân đã nghiền thành bột (nếu dùng phân bột viên như phân gà, phân bò… cũng nên nghiền nát ra) và trộn nấm Trichoderma rắc trên đất cách xa gốc để kích thích rễ lan ra. Luôn tưới ẩm đất trước và sau khi bón phân.
Đối với cây từ 1-3 tuổi: có phân chuồng + phân lân bón vào tháng 12 đến tháng 01. Đạm urê và kali bón làm 3 lần: Lần 1: vào tháng 1-2: 30% đạm; Lần 2: vào tháng 4-5: 40% đạm + 100%kali; Lần 3: tháng 8 – 9: 30% đạm. (thời gian bón còn tùy thuộc vào khí hậu từng vùng)
Từ năm thứ 4 trở đi: dùng phân chuồng + lân + vãi sau khi thu hoạch quả (quả tháng 12 sang tháng 1). Thúc lần 1(Bón đón lộc xuân ): Khỏang từ 15/2-15/3: 40% đạm + 40% kali; + Thúc lần 2: vào tháng 4-5: 30% đạm + 30% kali; Thúc lần 3 (Bón thúc cành thu và nuôi quả ): vào tháng 6-7: 30% đạm + 30% kali.
Việc bón phân và điều khiển ra hoa, trái vụ là một kỹ thuật quan trọng giúp nhà vườn có thu nhập cao. Cam Sành nghịch vụ có giá cao gấp 3 – 5 lần vụ thuận. Nhằm kích thích ra hoa sớm, biện pháp được dùng phổ biến là cắt nước trong mùa khô nhằm tạo sự căng thẳng sinh lý trong cây để kích thích ra chồi non và hoa khi tưới nước trở lại. Ngừng tưới nước từ 12 – 15 ngày đến khi cây có biểu hiện héo thì tưới nước trở lại. Khi thực hiện chú ý thời gian từ khi cây ra hoa đến thu hoạch mất khoảng 9 tháng.
- Phòng trừ sâu bệnh hại cây cam
Nên sử dụng những sinh vật sinh học là “khắc tinh” của sâu, rầy như kiến vàng. Nhiều nhà vườn đã thấy lợi ích của kiến vàng trong các vườn Cây Ăn Trái. Kiến vàng là một loại thiên địch giúp nông dân tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ cây trồng mà không cần sử dụng thuốc hóa học.
Nguồn: VITIC